Vì sao chúng ta phải có yếu tố Tâm trong bí kíp Chiến thắng Covid? Chữ Tâm có nghĩa là gì? Nội dung giải pháp về Tâm là gì? Mời các bạn cùng xem chia sẻ từ các chuyên gia nhé.
Vì sao chúng ta phải có yếu tố Tâm trong bí kíp Chiến thắng Covid? Chữ Tâm có nghĩa là gì? Nội dung giải pháp về Tâm là gì? Mời các bạn cùng xem chia sẻ từ các chuyên gia nhé.
GIẢI PHÁP 5 YẾU TỐ: TÂM – Ý – KHÍ – NƯỚC – DINH DƯỠNG
Tuần trước Koro đã chia sẻ mô hình 5 yếu tố giúp chúng ta chiến thắng covid gồm: Tâm – Ý – Khí – Nước – Dinh dưỡng. Dựa trên các yếu tố này thì chúng ta có thể thấy rằng: Tâm giống như người dẫn đầu, lãnh đạo. Ý đưa ra hành động cụ thể để điều khí trong cơ thể, cung cấp nước và dinh dưỡng nuôi sống cơ thể chúng ta.
“Vì sao bí kíp trọn gói 5 yếu tố này lại gồm Tâm-Ý-Khí-Nước-Dinh dưỡng?”
Từ các kết quả nghiên cứu khoa học, Koro đưa ra định hướng giải pháp là giải quyết cơn bão gốc tự do khi nhiễm covid-19. Giải pháp này bao gồm: gia tăng các chất chống oxy hóa để trung hòa gốc tự do và nâng cao sức khoẻ để hướng đến sự cân bằng nội môi oxy hoá khử.
Chúng ta cùng theo dõi một bài viết trên báo Tuổi Trẻ với chủ đề: “Gốc tự do, lão hóa và bệnh tật”, trong đó nhắc đến các tình huống gây tăng gốc tự do như: căng thẳng tinh thần và thể chất, ăn uống không hợp lý, những điều kiện gây trở ngại cho sự sống và hoạt động cơ thể, môi trường ô nhiễm độc hại, trạng thái giảm trữ lượng Antioxydant trong tế bào…
Bên cạnh đó, báo Tuổi trẻ cũng đưa ra các giải pháp từ Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương để ngăn ngừa việc sản sinh ra các gốc tự do, bao gồm: tinh thần luôn lạc quan yêu đời, thường xuyên luyện tập đều đặn về trí tuệ và thể lực, sinh hoạt điều độ, dinh dưỡng hợp lý, môi trường sống tự nhiên tốt. Đối chiếu với 5 yếu tố của Koro giúp ngăn cản việc gia tăng các gốc tự do trong cơ thể, chúng ta có thể thấy các điểm tương đồng như:
Các giải pháp từ Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương | Bí kíp 5 yếu tố của Koro |
Tinh thần luôn lạc quan yêu đời | Tâm |
Thường xuyên luyện tập đều đặn về trí tuệ và thể lực | Ý – Khí |
Sinh hoạt điều độ | Tâm – Ý – Khí |
Dinh dưỡng hợp lý | Nước – Dinh dưỡng |
Môi trường sống tự nhiên tốt | Không đề cập |
Ý NGHĨA CỦA “TÂM” TRONG GIẢI PHÁP 5 YẾU TỐ
Chữ “Tâm” trong giải pháp sử dụng mang 2 ý nghĩa: Một là năng lực nhận biết của Tâm, giống như vai trò của con mắt chúng ta vậy. Hai là phẩm chất của Tâm, nó thể hiện xu hướng tinh thần của chúng ta như: tinh thần khỏe mạnh hay yếu ớt, lạc quan hay bi quan, tích cực hay tiêu cực…
Khi chúng ta xem xét về ý nghĩa thứ nhất của Tâm, tức là nói về năng lực nhận biết với vai trò giống như đôi mắt, thì Tâm cũng nhận biết theo 2 xu hướng:
Tâm hướng về biết rõ thực tế: điều này tương tự như việc chúng ta mở mắt để nhận biết thực tế, chúng ta nhìn vào thực tế để biết rõ cái gì đã xảy ra, đang xảy ra, không xảy ra; chúng ta biết cái gì đúng thì nó là đúng, cái gì sai thì nó là sai; cái gì mình biết thì thấy là biết, cái gì mình không biết thì thấy là không biết. Điều quan trọng khi tâm hướng về biết rõ thực tế là chúng ta sẽ luôn biết rõ những gì mình mong muốn, những suy nghĩ, lo lắng và thế giới nội tâm bên trong mình…
Xu hướng thứ hai là Tâm hướng về ảo tưởng: tương tự như chúng ta nhắm mắt lại, không nhìn thấy gì cả, không biết rõ thực tế đang xảy ra, chúng ta tưởng tượng trong đầu mình 1 điều gì đó và cho rằng nó là sự thật. Với xu hướng này chúng ta không biết thực tế là gì, thậm chí không biết bản thân muốn gì, không liên kết được hành động với ý muốn của mình nên không thể đạt được điều mình mong muốn.
Tiếp theo, chúng ta xem xét về ý nghĩa thứ hai là Phẩm chất của Tâm. Về mặt phẩm chất thì Tâm cũng có 2 xu hướng: Thứ nhất là Tâm tích cực, nghĩa là chúng ta có tinh thần khỏe mạnh, sống lạc quan, yêu đời, có nhiều cảm xúc tích cực, năng lượng dồi dào… Ngược lại, xu hướng thứ hai là Tâm tiêu cực, điều này nghĩa là tinh thần chúng ta luôn trong trạng thái yếu ớt, tâm trạng bi quan, chán nản, nhiều cảm xúc tiêu cực, căng thẳng, stress…
VAI TRÒ CỦA “TÂM” TRONG GIẢI PHÁP 5 YẾU TỐ
Tâm có vai trò giống như ngọn hải đăng, như đôi mắt giúp chúng ta nhận biết thực tế. Từ xu hướng nhận biết của Tâm (thực tế hay ảo tưởng) mới tạo thành các phẩm chất của Tâm (tích cực hay tiêu cực). Có thể nói rằng: kết quả quá trình nhận biết của chúng ta là những nhận thức được lưu giữ bên trong mình, nó giống như chương trình máy vi tính, những chương trình này sẽ trở thành xu hướng, phẩm chất.
Ví dụ: chúng ta nhận thức và hiểu như thế nào về bệnh covid, về yêu thương bản thân, thì từ đó nó sẽ tạo thành xu hướng, phẩm chất của mình. Với xu hướng Tâm tích cực thì chúng ta sẽ không stress, không lo lắng, ngay cả khi gặp biến cố trong cuộc sống như covid chẳng hạn, mình cũng sẽ hướng đến việc giải quyết vấn đề chứ không bi quan thắc mắc tại sao mình lại bệnh, không khó chịu với việc nhiễm bệnh, không sợ hãi căn bệnh. Đối với người có tâm tích cực thì họ sẽ hướng đến giải quyết vấn đề, có xu hướng yêu thương bản thân, chăm sóc cơ thể và tinh thần của mình luôn lạc quan, tích cực, yêu đời, không stress. Còn với người có Tâm tiêu cực thì họ sẽ hướng đến khó chịu với căn bệnh, trách móc bản thân.
Khi sống với Tâm biết rõ, chúng ta sẽ thật sự biết cái gì là Mình, không nhầm Mình với những cái khác thì sẽ không có cảm xúc tiêu cực.
Ví dụ: mình nhầm lẫn cái áo là mình, lúc này tinh thần mình lệ thuộc vào cái áo, nếu cái áo đẹp thì mình vui, cái áo xấu thì mình buồn. Mình xem giá trị của mình nằm trên cái áo, mình so sánh cái áo của mình với cái áo của người khác, là do mình nhầm cái áo là mình nên mới lấy giá trị cái áo là giá trị của mình.
Việc này sẽ khiến chúng ta tự ti, cảm thấy bản thân nhỏ bé, từ đó phát sinh ra những ức chế và tiêu cực. Khi chúng ta nhận thức sai về bản thân thì đó là điều cốt lõi, cội nguồn của mọi tiêu cực, từ đó phát sinh ra xu hướng muốn nghĩ xấu về người khác, nghĩ xấu về bản thân mình.
Việc nghĩ xấu về người khác cũng giống như dìm hàng vậy. Chúng ta hạ người khác xuống để nâng mình lên, đặt mình ở vị trí quan tòa để phán xét. Thậm chí khi chúng ta nghĩ xấu về bản thân, lúc này chúng ta đang tự tách mình ra thành 2 con người: 1 quan tòa đánh giá và nghĩ xấu về bên kia là 1 tội phạm. Lúc này chúng ta đang dìm hàng bản thân nhưng thật ra là đang nâng mình lên, tự cho mình là quan tòa, người phán xử để cảm thấy bản thân có giá trị.
Khi chúng ta nhìn đúng con người thật của mình rồi, chúng ta thấy giá trị của mình không nằm trên cái áo thì lúc đó sẽ không có cảm giác mất giá trị nữa. Khi chúng ta biết được sự thật về bản thân, nó sẽ mang đến cho mình nội lực rất lớn, mang đến tâm trạng vô cùng thoải mái, tích cực.
MÔ HÌNH TOÁN HỌC VỀ GIÁ TRỊ BẢN THÂN
Sau phần chia sẻ rất hấp dẫn của anh Nguyễn Đức Quý về giá trị bản thân thì Chị Minh Đăng vừa chợt liên tưởng đến mô hình toán học như sau:
A + ∞ # B + C + ∞
Mỗi người chúng ta nếu không đặt giá trị trên chính bản thân mình mà đặt trên bộ quần áo, nhà cửa, xe cộ, sở thích,… hoặc trên những thứ không phải là mình, thì những thứ đó giống như A, B, C và còn nhiều cái khác nữa. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem xét trước về yếu tố “Mạng Sống”, tạm để ký hiệu ∞. Mạng sống là vô giá, không mua bán được, nếu cho đổi bao nhiêu tiền thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ không muốn đổi.
Giá trị mạng sống chính là vô cùng, đối với mỗi người thì mạng sống là cái quý giá nhất. Hiện nay, có thể chúng ta thấy mạng sống đang là hiển nhiên nên chúng ta xem những thứ khác quan trọng. Tuy nhiên, khi mạng sống gặp nguy hiểm, chúng ta sẽ luôn luôn xem trọng mạng sống của mình nhất. Vậy nên giá trị mạng sống là vô cùng. Theo công thức toán học thì A + ∞ = ∞; B + C + ∞ = ∞, nhưng thường chúng ta hay xem giá trị mạng sống = 0, nên chúng ta loại bỏ ∞, rồi so sánh A với B, C (chẳng hạn như công ty, nhà cửa, xe cộ…). Việc chúng ta so sánh A của mình với B, C của người khác rồi thấy mình hơn hoặc kém, thì rõ ràng mình đang dùng những cái không phải là mình để so sánh và nhầm lẫn đó là giá trị của mình. Trong khi nếu như chúng ta cộng tất cả những giá trị nhà cửa, xe cộ, quần áo vào mạng sống rồi so sánh với nhau, thì kết quả vốn dĩ ngang bằng nhau với tất cả mọi người.
Tóm lại, chữ “Tâm” trong giải pháp này vừa như cái biết của mình, vừa như phẩm chất tâm hồn của mình.
“TÂM” CÓ XU HƯỚNG NHẬN BIẾT THEO ẢO TƯỞNG
Thông thường, Tâm của chúng ta hay có xu hướng nhận biết theo ảo tưởng. Bởi vì ảo tưởng đem lại cảm giác lợi ích trước mắt, giúp mình thoải mái hơn trong tức thì. Thật ra chúng ta luôn lựa chọn những điều có lợi cho mình, nhưng trong tầm nhìn hạn hẹp thì chúng ta chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài. Ví dụ như trước mắt đang khó chịu, chúng ta tìm cách giải quyết sự khó chịu đó, giải tỏa liền những căng thẳng, stress bằng cách đi du lịch, giải trí, v.v… Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi dẫn đến sự khó chịu vẫn không được chúng ta xem xét xử lý tận gốc, vì vậy mà hậu quả sau này chúng ta vẫn phải đón nhận.
Việc lựa chọn ảo tưởng chứng tỏ chúng ta không muốn nhìn vào thực tế, chỉ đơn thuần là phản ứng lại các kích thích chứ không có sự lãnh đạo bản thân để đưa ra định hướng. Việc này không tốn công sức, không vất vả, không cần phải rèn luyện cực khổ nên thông thường nhiều người hay lựa chọn cách này.
GIẢI PHÁP CỦA “TÂM”
Giải pháp của Tâm chính là Tâm cần hướng đến sự biết rõ thực tế để mang lại cho chúng ta một tinh thần khỏe mạnh, sáng suốt, không stress, lạc quan, yêu đời trong mọi hoàn cảnh. Khi chúng ta nhận biết rõ thực tế, về thân thể thì chúng ta sẽ biết mình đang bị đau ở đâu để hướng năng lượng của mình đến vùng bị đau, giúp giải quyết cơn đau. Về tinh thần thì chúng ta luôn có những mong muốn (ví dụ như con cái tự lập, sự nghiệp phát triển, tình yêu hạnh phúc…), mỗi người chúng ta đều có nhiều mong muốn riêng, vấn đề là chúng ta có nhận biết được rõ ràng mong muốn của mình không, hay mình nhầm lẫn rằng mình muốn A nhưng thật ra là mình muốn B.
Giải pháp về Tâm hướng chúng ta biết rõ những gì mình mong muốn và làm thế nào để mình đạt được những điều mong muốn đó, khi đạt được thì mình sẽ có cảm giác vui vẻ, an tâm, không lo lắng hoang mang nữa.
Tóm lại, giải pháp về Tâm là hướng đến sự biết rõ, chính sự biết rõ này sẽ giúp chúng ta thoải mái, dễ chịu, có tinh thần khỏe mạnh và sáng suốt, sau đó nó giúp mình giải quyết được tất cả những vấn đề mà mình đang gặp phải.
CÁC BƯỚC ĐỂ LUYỆN “TÂM”
Để rèn luyện Tâm thì chúng ta cần trải qua 2 bước:
+ Bước 1: Bắt đầu từ việc rèn luyện sự tập trung. Thường lúc nhỏ Tâm của mình tập trung cao, khi lớn thì sự tập trung hay bị phân tán, nên chúng ta cần luyện tập để hướng tâm về sự tập trung.
+ Bước 2: Luyện sự nhận biết rõ thực tế. Thông thường chúng ta sẽ nhận biết thực tế, nhưng rất nhanh chóng sau đó chúng ta sẽ có thêm 1 lớp tưởng tượng che đậy lên, mình hay nhầm lẫn tưởng tượng là thực tế. Vậy nên chúng ta cần luyện tập để giữ cho Tâm nhận biết thực tế, không bị ảo tưởng chen lấn.
Chúng ta thường hay có xu hướng nhận biết theo ảo tưởng. Vậy nên chúng ta cần luyện tập để giữ Tâm nhận biết theo thực tế, không để ảo tưởng chen vào quá trình nhận biết. Đến giai đoạn 2 mới tìm xem nguồn gốc gì khiến cho ảo tưởng phát sinh trong mình, rồi mình mới giải quyết nó.
CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ LUYỆN “TÂM”
Để luyện Tâm thì chúng ta cần rèn luyện song song cả 2 giải pháp: Làm chủ Tâm và Soi Tâm.
Làm chủ Tâm: xu hướng Tâm mình thường hay rong chơi, chúng ta cần tìm cách để giữ Tâm và điều hướng Tâm nhìn vào đúng hướng mà mình muốn. Thông thường Tâm của chúng ta đã quen nhìn ảo tưởng, vậy nên chúng ta cần điều hướng con mắt Tâm nhìn thẳng vào sự thật.
Ví dụ như những nỗi sợ, trước đây chúng ta cứ thế gạt qua, hoặc những lo lắng, bất an, những vấn đề nội tâm mình nhìn thấy lại cứ hay gạt bỏ. Vì vậy, chúng ta cần luyện Tâm đủ vững vàng để nhìn thẳng vào vấn đề, không chạy trốn nó nữa. Chúng ta cần luyện tập trung hay luyện sức mạnh trong việc làm chủ Tâm.
Soi Tâm: sau khi tập trung làm chủ Tâm thì chúng ta sẽ soi chiếu lại các nhận thức bên trong, tìm kiếm những mâu thuẫn nội tâm để từ đó tháo gỡ các sự nhầm lẫn, giúp Tâm mình ngày càng nhận biết theo thực tế nhiều hơn, đặc biệt là nhận biết đúng về giá trị bản thân và biết cái gì là Mình.
Các phương pháp luyện tập trung mà Koro đề xuất
+ Bưng nước: bưng chén nước đầy đến miệng chén, di chuyển tới lui sao cho nước trong chén không đổ ra ngoài.
+ Đếm đậu: lấy đậu xanh và đậu đen trộn lại với nhau rồi ngồi đếm. Lần thứ 2 bốc ra 1 nắm đậu giấu đi, rồi đếm số đậu còn lại, sau đó đếm số đậu đã giấu và cộng 2 con số đó lại với nhau. Nếu nhiều lần mình đếm mà số đậu vẫn bằng nhau tức là mức độ tập trung cao.
+ Chơi đếm số với count: Koro hỗ trợ ứng dụng chatbot để luyện tập trung bằng các trò chơi đếm số từ 1-6.
+ Nhìn dấu cộng: Tập trung nhìn vào dấu cộng ở giữa để các vòng tròn màu hồng bên ngoài biến mất, giữ được trạng thái này càng lâu càng tốt.
Trong 4 bài tập này thì chúng ta tự do lựa chọn phương pháp để luyện tập, miễn sao phù hợp với bối cảnh và tình hình ở nhà mình nhất, chứ không phân chia ra cấp độ.
Các phương pháp luyện nhận biết mà Koro đề xuất
+ Chat với 5min: đây là công cụ giúp chúng ta thực hành nhận biết (thân, thọ, tâm, pháp). Mỗi câu hỏi của 5min giúp chúng ta hướng tâm nhìn vào các đối tượng, từ đó quan sát đối tượng và đưa ra câu trả lời. Trước giờ chúng ta có 2 cách thức: một là mình quan sát đối tượng để có được câu trả lời, hai là mình nghĩ về nó và đưa ra câu trả lời.
+ Chat với chatbot 5min Imas: đây là chatbot xen kẽ giữa việc thể hiện biết quyền điều khiển và không thể hiện biết quyền điều khiển. Công cụ này giúp chúng ta luyện tập sự tự chủ, ít bị phóng tưởng nên chúng ta sẽ nhìn nhận thực tế rõ hơn.
+ Nhận biết sự rõ biết: đưa ra những câu hỏi xem trường hợp này là rõ biết hay ảo tưởng. Phương pháp này giúp mình phân biệt rõ ràng giữa thực tế mình biết và ảo tưởng.
+ Ông nói gà bà nói vịt: 2 bên hỏi và trả lời không được khớp ý nghĩa với nhau, phương pháp này giúp luyện tập sự tự chủ.
+ Uống nước với tất cả giác quan: đánh thức cả nước lẫn giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), kèm với các thông điệp yêu thương bản thân. Khi uống nước, chúng ta có thể nhìn vào ly nước, nghe tiếng nước đi vào trong cơ thể, mũi mình ngửi được mùi xung quanh không gian uống nước, lưỡi mình cảm nhận vị thanh ngọt của nước, thân thì mình sẽ chạm vào ly khi uống nước, ý thì mình tập trung vào việc uống nước và đưa nước vào cơ thể. Chúng ta uống nước với ý tưởng đưa nước vào từng tế bào, chăm sóc từng tế bào để các tế bào khỏe mạnh, chăm sóc ngược lại cơ thể mình.
+ Bài tập soi tâm: Đây là đích cuối cùng giúp chúng ta nhìn sâu vào nội tâm của mình. Mời các bạn tham khảo khóa học “Đi tìm cái Tôi” trên Ngược Chiều Tivi. Chúng ta sẽ có hệ thống các câu hỏi để giúp soi sáng tâm mình, mục đích để nhận ra được cái gì thực sự là mình và cái gì không phải là mình.
Trước tiên, chúng ta sẽ nhận thức được những mâu thuẫn trong lòng mình. Chúng ta thường có sẵn hệ thống niềm tin nên khi nhận thức theo niềm tin thì không thực tế. Bên cạnh đó chúng ta cũng có hệ thống nhận biết theo thực tế, vậy nên 2 kết quả này đối lập với nhau, mâu thuẫn nhau.
Trong quá trình soi tâm thì chúng ta sẽ phát hiện được mâu thuẫn này và đi giải quyết nó. Khi vấn đề mâu thuẫn được giải quyết, chúng ta sẽ còn lại 1 đáp án hướng về sự biết rõ theo thực tế, từ bỏ niềm tin sai lầm. Việc này giúp chúng ta nhận biết rõ con người thật của mình, thấy được giá trị của mình là vô cùng, vô giá mà không có bất cứ điều gì so sánh được. Giá trị của cả vũ trụ thế gian này cộng lại vẫn không bằng mình, giá trị của mình là lớn nhất, vô cùng vô tận.
Lúc này những giá trị của các thứ hữu hình cộng lại đều không là gì hết, chúng ta không còn cảm thấy lép vế hay thua kém bất kỳ ai, chúng ta cũng không thấy mình hơn người khác, nên không cần so sánh với bất kỳ ai nữa. Lúc đó mình là mình thôi, mình đã đủ đầy.
Đây là phương pháp cuối cùng giúp chúng ta đạt được trạng thái Tâm tích cực đó. Về cách thức, chúng ta sẽ soi xem những cảm xúc tiêu cực, stress bắt nguồn từ đâu bên trong mình. Ví dụ có tình huống người khác chửi thì mình tức, cũng có tình huống người khác chửi nhưng mình không tức, vậy thì mình xem lại tại sao có sự khác nhau này, cứ thế mình tiếp tục soi sâu vào để xem thử cội nguồn của những cảm xúc tiêu cực là gì, cội nguồn của những lo lắng bất an là gì, cội nguồn của những điều bất như ý là gì. Lúc này chúng ta sẽ thấy được vấn đề và tìm ra được giải pháp nhận thức đúng về bản thân mình.
LỜI KẾT
Buổi livestream giúp chúng ta nhận ra một từ ngữ lại có nhiều ý nghĩa rất mới, không giống như những gì mình nghĩ. Chẳng hạn từ: “Tâm, Nhận Biết…” qua những lớp nghĩa được mọi người chia sẻ và lật lại thì chúng ta có nhiều góc nhìn khác hơn. Trước giờ chúng ta hay nghĩ rằng Tâm cần có được sự bình an, thư giãn, nhưng trước khi đạt được những điều này chúng ta đã trải qua rất nhiều điều khó chịu, vì cuộc sống của mình có quá nhiều điều bất hợp lý luôn.
Các giải pháp mà Koro đưa ra có thể thực hiện được theo từng bước, đầu tiên chúng ta cần luyện sự tập trung, đổi qua nhận biết rõ ràng thực tế chứ không ảo tưởng nữa. Tuy nó đơn giản là 1 sự kéo về của Tâm nhưng đôi khi chúng ta không đủ sức kéo về, để Tâm chạy sang vùng ảo tưởng. Trong cuộc sống chúng ta thường gặp rất nhiều vấn đề có thể được giải quyết bằng sự nhận biết rõ ràng thực tế, nếu như chúng ta không biết rõ thì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thật ra đây không chỉ là giải pháp dành riêng cho covid mà việc luyện Tâm có thể giúp chúng ta giải quyết tất cả những vấn đề khác trong cuộc sống. Cuối cùng, Koro gửi đến các bạn thông điệp: “Tâm giúp chúng ta nhận biết rõ thực tế, biết rõ chính mình, từ đó mình mới có sự yêu thương bản thân đích thực”.