Diễn đàn DigiFrontiers là nơi các nhà lãnh đạo nhiều lĩnh vực gặp gỡ, thảo luận và khám phá sự phát triển công nghệ số, kinh tế số và tác động của nó tới ngoại giao, thương mại và quan hệ toàn cầu.
Tác giả: Hương Giang
Diễn đàn DigiFrontiers là nơi các nhà lãnh đạo nhiều lĩnh vực gặp gỡ, thảo luận và khám phá sự phát triển công nghệ số, kinh tế số và tác động của nó tới ngoại giao, thương mại và quan hệ toàn cầu.
Ngày 1- 3/5 vừa qua, Dự án DigiFrontiers thuộc Mạng lưới Đối thoại Lãnh đạo Australia – Việt Nam (AVLD) phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, đã tổ chức Diễn đàn công nghệ số tại Thành phố Melbourne (Úc). Diễn đàn đã thu hút hơn 200 đại diện từ chính phủ, các cơ quan, các doanh nghiệp đầu ngành về công nghệ số của hai nước.
Diễn đàn DigiFrontiers là nền tảng nơi các nhà lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực khác nhau gặp gỡ.
Để hiểu hơn về sự kiện cũng như kết quả mà DigiFrontiers Forum đã mang đến cho doanh nghiệp và nền kinh tế của hai nước, Phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông đã có buổi phỏng vấn Nguyễn Thị Minh Đăng, Chủ tịch Mạng lưới Lãnh đạo trẻ Australia – Việt Nam, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Koro, người đã mang các doanh nghiệp trẻ Việt Nam sang Úc và cũng là người điều hành toàn bộ chương trình chính của sự kiện này.
Trước tiên Tạp chí Khoa học phổ thông xin chúc mừng Minh Đăng về thành công của Diễn đàn DigiFrontiers – Công nghệ Số tại TP. Melbourne vừa qua. Theo Minh Đăng, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong mối quan hệ giữa hai nước?
Tâm huyết của Minh Đăng không chỉ đối với những hoạt động của Mạng lưới Đối thoại Lãnh đạo trẻ Việt Nam – Australia.
Nguyễn Thị Minh Đăng: Được tổ chức ở thành phố Melbourne, Diễn đàn DigiFrontiers là nền tảng nơi các nhà lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực khác nhau gặp gỡ để thảo luận và khám phá bối cảnh đang phát triển của công nghệ số, kinh tế số và tác động của nó tới các hoạt động ngoại giao, thương mại và quan hệ toàn cầu.
Với trọng tâm là các giải pháp công nghệ mới nổi, xu hướng đột phá và tiềm năng biến đổi của công nghệ số hóa, Diễn đàn nhằm tạo điều kiện cho các lãnh đạo trẻ tại Việt Nam và Úc cùng các bên liên quan để trao đổi hiểu biết và tìm kiếm các cơ hội hợp tác, củng cố nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kỹ thuật số tại hai quốc gia.
Hơn 200 đại diện chính phủ và các ngành trên khắp Australia và Việt Nam tham dự sự kiện này. Trong đó, các doanh nghiệp hàng đầu và các cơ quan chính phủ ở Australia cùng nhiều phái đoàn đã đến từ Việt Nam bao gồm đại diện các Bộ ngành, các cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ kế hoạch đâu tư và Bộ thông tin truyền thông.
Do vậy, sự kiện này thực sự là một hoạt động đánh dấu một bước quan trọng, và cũng là nền tảng hợp tác lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước về nền kinh tế số.
Được biết Minh Đăng là người điều hành toàn bộ Diễn đàn này. Minh Đăng vui lòng chia sẻ với KHPT về lý do tại sao Minh Đăng – Chủ tịch của mạng lưới AVYX, lại đảm nhận vai trò MC?
Mạng lưới lãnh đạo trẻ Việt Nam và Úc (AVYX) là một sáng kiến của AVLD với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và Úc thông qua 4 mục tiêu quan trọng là phát triển về giáo dục, khởi nghiệp, văn hóa kinh doanh và giao thương giữa hai nước.
Chọn đóng vai trò điều hành sự kiện, tôi hy vọng DigiFrontier Forum không chỉ là một diễn đàn lớn, qui mô với nhiều ý nghĩa trong hợp tác về nền kinh tế số của Việt Nam và Úc diễn ra vào tháng 5 tại Melbourne. Mà diễn đàn còn tiếp tục là nền tảng kết nối hiệu quả cho các đại biểu tham dự thông qua nền tảng của AVYX.
Minh Đăng có cảm thấy tâm huyết với công việc này không? Hay vì là công việc nên phải làm thôi?
Tất nhiên là Đăng có tâm huyết rồi. Tâm huyết của Đăng không chỉ đối với những hoạt động của Mạng lưới Đối thoại Lãnh đạo trẻ Việt Nam -Australia (AVLD), mà rộng ra là tâm huyết với việc phát triển quan hệ Việt – Úc. Đăng góp phần vào việc thúc đẩy mối quan hệ Việt – Úc để mang lại những giá trị và lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như người dân và doanh nghiệp của hai nước.
Cũng cần nói rõ thêm, hiện tại, AVYX (Mạng lưới lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Australia – Việt Nam) là sáng kiến của AVLD (Mạng lưới Đối thoại Lãnh đạo Australia – Việt Nam). Với trọng tâm là phát triển con người, trao đổi văn hóa kinh doanh, khởi nghiệp và đầu tư, cùng với trọng tâm là kết nối mạng, AVYX bổ sung cho mối quan hệ đối tác song phương Úc-Việt Nam. Bằng cách cung cấp nền tảng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ kết nối, chia sẻ ý tưởng và tham gia vào nhiều sáng kiến khác nhau, AVYX sẽ tạo ra những cơ hội hợp tác lớn hơn. Đồng thời bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp trẻ tiếp theo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới, một lần nữa củng cố mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam.
Đăng dành nhiều quan tâm đối với AVYX là vì vai trò của Đăng trong AVLD là như vậy, chứ không phải là Đăng chỉ có tâm huyết với một mình AVYX không thôi.
Theo Minh Đăng, việc tham gia Diễn đàn này, mang lại cơ hội gì cho các doanh nghiệp của hai nước?
Diễn đàn DigiFrontiers là một diễn đàn lớn và qui mô.
Một trong những cơ hội quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đã nhận được là cơ hội kết nối với nhau và với các đối tác tiềm năng từ cả hai quốc gia. Qua các buổi networking và các hoạt động gặp gỡ, họ có thể thiết lập mối quan hệ mới, trao đổi ý kiến và tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.
Ngoài ra, thông qua các diễn giả và các buổi thảo luận, các doanh nghiệp đã tiếp cận thông tin và cơ hội thị trường mới, cũng như những nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức và cơ quan chính phủ. Điều này giúp họ cập nhật thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển các dự án mới.
Diễn đàn giúp tăng cường hợp tác và giao lưu giữa doanh nghiệp của cả hai nước.
Đặc biệt, diễn đàn đã nhấn mạnh những cơ hội đặc biệt trong bối cảnh đổi mới ở cả hai nước chúng ta ở Úc và Việt Nam và được hỗ trợ bằng chương trình ‘Landing Pad’ của Chính phủ Úc tại TP.HCM. Đây sẽ là nơi đóng vai trò là trung tâm khu vực nhằm thúc đẩy xuất khẩu công nghệ của Úc vào khu vực và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Đông Nam Á.
Đây cũng là lần đầu tiên, việc hợp tác về kinh tế số giữa hai nước có một diễn đàn qui tụ tất cả các chủ đề từ AI, blockchain, cybersecurity, công nghệ trong phát triển bền vững, công nghệ trong giáo dục (edutech) và công nghệ trong nông nghiệp (agritech),… trong đó có đa dạng các hình thức từ chia sẻ chuyên gia, đối thoại mở, triển lãm tương tác, kết nối doanh nghiệp, chia sẻ câu chuyện thực tế,…
Thêm nữa, việc ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Blockchain Australia và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã diễn ra ngay trong Diễn đàn. Nó mang lại nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các doanh nghiệp Úc và Việt Nam trong lĩnh vực blockchain, từ việc phát triển công nghệ đến mở rộng thị trường và hợp tác kinh doanh.
Các doanh nghiệp đã chia sẻ những đổi mới công nghệ thông qua các doanh nghiệp của mình như DekonTech, HelloCelver, Beanstalk, New Ocean Information System, OneSpace, Entropolis và PTE Magic.
Đây thật là một điều tuyệt vời. Khi tham gia tổ chức Diễn đàn này, Minh Đăng quan tâm đến điều gì nhất?
Điều mà Đăng quan tâm nhất khi tham gia tổ chức Diễn đàn này là phải làm sao để tạo ra một diễn đàn chất lượng và ý nghĩa, giúp tăng cường hợp tác và giao lưu giữa doanh nghiệp của cả hai nước, Úc và Việt Nam, trong lĩnh vực kỹ thuật số và phát triển bền vững.
Trong quá trình tổ chức sự kiện, Minh Đăng có gặp phải những khó khăn gì không? Và Minh Đăng đã vượt qua chúng như thế nào?
Đối với Đăng, không có khái niệm khó khăn, mà chỉ có các vấn đề cần phải giải quyết. Với mỗi tổ chức và mỗi sự kiện, các vấn đề luôn luôn phát sinh, trong quá trình làm việc. Cách giải quyết của Đăng khi gặp vấn đề là quan tâm vào điều mình muốn, nhìn thẳng vào vấn đề và tìm xem nguyên nhân từ đâu rồi đưa ra các giải pháp khắc phục.
Minh Đăng hãy chia sẻ một vài vấn đề mà ban tổ chức đã trải qua và giải quyết?
Diễn đàn DigiFrontiers là một diễn đàn lớn và qui mô, nhưng được tổ chức và thực hiện hoàn toàn bởi các tình nguyện viên. Mỗi thành viên tham gia đều có công việc riêng, chứ không phải làm trong như một công việc chính thức. Đăng cùng với các bạn ấy làm việc với một tinh thần tự nguyện, tự giác và đầy nhiệt huyết.
Tuy vậy, đây là một công việc mới, và thực hiện dưới sự chỉ đạo và phối hợp với chính phủ Úc, do vậy việc tổ chức Diễn đàn vừa phải đảm bảo các qui định của Chính phủ nhưng vẫn phải linh hoạt để công việc có thể diễn ra một cách hiệu quả và nhanh chóng. Có rất nhiều hạn chế nếu tình nguyện viên vì cảm thấy bị giới hạn bởi các qui định mà giảm nhiệt huyết, mất lửa hoặc cảm thấy bị tù túng.
Thế Minh Đăng có lúc nào bị mất lửa không và đã vượt qua nó để có lửa trở lại bằng cách nào?
Rất may mắn là Đăng có thực hành Thiền Chứng kiến, cho nên hoàn toàn không bị mất lửa chút nào. Và Đăng nghĩ, bản thân, ở thời điểm nào đó, gặp gỡ điều gì đó, sẽ thực sự là khác biệt so với chính mình. Và khi đó, bản thân sẽ là người “chắc tay” để phụ trách những vai trò quan trọng của Diễn đàn qui mô và uy tín bậc nhất này.
Đó chính là tập trung vào mục tiêu, nhìn thấy những cơ hội để tiến về phía trước nhưng vẫn đảm bảo mình luôn tuân thủ các quy định, các giới hạn của tổ chức đưa ra. Nhiều người lãnh đạo, họ chỉ có thể làm tốt khi tự mình làm chủ, ít người có thể làm tốt khi phối hợp với những tổ chức hoặc trong đội. Họ không thể tự lãnh đạo bản thân và bị người khác lãnh đạo trong cùng một lúc. Do vậy, họ không thể hợp tác với người khác hoặc những tổ chức có tầm ảnh hưởng hơn mình; và cũng không thể thu hút, giữ chân, phát triển những người trong đội của mình; một cách hiệu quả nhất.
Đây cũng là tâm huyết của Đăng khi thành lập AVYX với mong muốn truyền cảm hứng và phát triển những cá nhân xuất sắc về lãnh đạo. Những nhân tố lãnh đạo này không chỉ “tốt” mà còn “vĩ đại” để cùng nhau hỗ trợ quan hệ ngoại giao và kinh tế bền vững giữa Việt Nam và Úc.
Cuối cùng, Minh Đăng có thông điệp gì muốn gửi đến các doanh nghiệp Úc và Việt Nam sau sự kiện này không?
Đối với các doanh nghiệp của cả hai quốc gia, Đăng muốn gửi đi một thông điệp đơn giản nhưng rất quan trọng: việc xây dựng quan hệ kết nối là bước đầu tiên, và chúng ta cần những bước tiếp theo để biến những mối quan hệ và ý tưởng trở thành hiện thực. Cần đặc biệt nhấn mạnh 3 điều là (1) tính hành động: mỗi sự hợp tác nên có rõ ràng những hành động cần thực hiện trong tương lai (2) tinh thần cùng thắng: để phát triển bất kì mối quan hệ bền vững nào, chúng ta cần lắng nghe và quan tâm đến nhu cầu của cả hai bên.
Qua sự kiện này, chúng ta đã thấy được tiềm năng và sức mạnh của việc làm việc giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Úc để đạt được mục tiêu chung. Hãy tiếp tục tạo ra và nắm bắt những cơ hội mới, và chúng ta sẽ cùng nhau đạt được thành công lớn hơn trong tương lai!
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Khoa học phổ thông – Số 19/24 – Thứ sáu ngày 10/5/2024